Dụng cụ pha trà và cách pha trà ngon

Theo tác phẩm Trà kinh của Lục Vũ (733-804), Thì tại Trung Quốc thời nhà Đường (618-907) hay dùng trà bánh hoặc trà bột, nên người ta đã sử dụng luôn một cái nồi để đun nước và pha trà ở đó. Nhưng đến thời nhà Tống (920-1280), ngoài sử dụng trà bánh, trà bột ra, còn sử dụng trà lá khô như hiện nay. Nhưng phải đến tận thời nhà Minh thì việc chế tạo ấm hãm trà và uống trà bằng chén nhỏ mới bắt đầu. Những bộ ấm trà lúc bấy giờ đã gắn liền với những địa danh nổi tiếng sản xuất ấm là Nghi Hưng – chuyên sản xuất các loại ấm đất với nhiều kiểu dáng, kích thước lớn nhỏ khác nhau cho tới tận ngày nay. Thời này thì trà cũng bắt đầu được du nhập vào Châu Âu và rất được mọi người tại đây ưa chuộng.

  • Ấm tử sa

Ấm tử sa pha trà rất ngon

Theo nhiều ghi chép, thì ở Châu Âu người ta cũng sáng tạo ra những ấm trà có kiểu dáng đặc trưng dựa trên ý tưởng từ các ấm đất Trung Quốc và ấm pha cafe hiện có bằng chất liệu sành, sứ, thủy tinh. Ở Trung Quốc lại rất ưa chuộng chén sứ, đặc biệt là đồ sứ Cảnh Đức Trấn, loại chén sứ trắng sẽ làm nổi bật màu sắc của nước trà.

Ở châu âu, người ta thường dùng chén có quai để uống trà kèm với đĩa để chén. Nhưng ở Trung Quốc, lại sử dụng loại chén không quai. Đến tới đầu đời Thanh, người ta còn chế tạo ra chung (một loại chén có nắp, vừa dùng để hãm và uống trà). Từ đó đến nay thì các loại trà cụ được chế tác với nhiều kiểu dáng, mẫu mã mới rất đa dạng.

Đối với những người sành và thích uống trà, khi nhắc đến ấm trà thì chắc chắn bạn sẽ không thể bỏ qua được những dụng cụ pha trà kèm theo. Như chén uống trà, chén tống, chén quân theo kiểu Việt Nam, hoặc ấm chuyên theo kiểu Trung Quốc. Chén có thể được làm từ đất tử sa, nhưng cũng có những chiếc chén sứ rất mỏng được gọi là sứ vỏ trứng.

Chén tử sa thường có màu đỏ với nâu

Khi chọn ấm màu nào thì người ta chọn chén và đĩa cũng màu đó. Nhưng, chén thường được làm từ các màu thông dụng như màu nâu đậm, màu đỏ hay màu vàng chứ không thấy màu xanh hay màu đen. Ngoài ra còn phải có bình chuyên trà, bồn đựng bã trà và chứa nước tráng ấm, đĩa lớn để ly, kén cho đủ một bộ tiệp màu đã khó huống hồ nếu nhiều ấm, nhiều màu, nhiều kiểu.

Những người sành về ấm và trà thì họ có đầy đủ bộ dụng cụ pha trà gồm lục quân tử, chiếu trà, khăn lau và cả hộp đựng trà bằng đất nung.

Dĩ nhiên không thể thiếu cái ấm nấu nước pha trà bằng kim loại, bằng sứ hay ấm điện. Cũng nên có một cái bình thủy để chứa nước nóng mặc dù nhiều người kỹ không chịu dùng nước bình thủy mà dùng bình tự hâm nóng. Cầu kỳ hơn thì mua cả nhiệt kế và”timer” để hãm trà cho thật chuẩn. Người khó tính lại còn cho rằng phải bếp than mới ngon. Thế nhưng nếu máy móc quá như thế thì uống trà không còn thú vị được bao nhiêu.

Nhìn chung thì dụng cụ uống trà bao gồm ấm chén hoặc tách như đã nêu nhưng cụ thể ở từng địa phương từng nước có những khác biệt.

  • Dáng ấm tử sa

Lục Quân tử bộ dụng cụ pha trà

Ở Nhật ngoài cách uống trà bằng bát trong các buổi trà lễ (chanoyu) dùng trà bột (matcha), trong đời sống người ta cũng dùng ấm chén để uống trà lá (sencha).

Tuy nhiên cũng thống nhất với văn hóa Nhật bản chung là chuộng số lẻ, số chén trà trong một bộ đồ trà (teaset) của Nhật dùng 5 chén thay vì 4 chén, 6 chén như ở Việt Nam. Ngoài ra ở Nhật còn sử dụng phổ biến loại ấm trà có tay cầm vuông góc với miệng bình. Đúng hơn đây chính là hình ảnh của “siêu” nấu thuốc đã tồn tại từ trước thời Minh rất lâu ở Trung quốc.

Ở Trung quốc ngoài ấm để hãm trà người ta còn sử dụng một loại dụng cụ chuyên trung gian gọi là “trà hải”, hình dáng hơi giống như bình đựng sữa của phương tây nhưng với kích thước nhỏ hơn, mục đích để dừng thời gian hãm trà khi lượng nước trà trong ấm không thể rót hết ra chén hoặc để lược xác trà trước khi rót vào chén.

Ở Việt Nam xưa thay vì sử dụng trà hải này người ta dùng một chén to thể tích chứa được nước của cả ấm gọi là chén tống (nói trại ra từ chữ tướng) để phân biệt với các chén nhỏ gọi là chén quân. Ngày nay để lịch sự hơn ở Trung quốc người ta cũng dùng đĩa lót chén khi mời khách.

Theo phong cách pha trà Kungfu của Trung quốc, ngoài chén nhỏ hình chiếc bát nhỏ còn có loại chén nhỏ hình trụ cao. Người ta rót trà vào chén này sau đó chuyên qua chén nhỏ thấp và dùng chén hình trụ này để ngửi mùi thơm của trà. Chén hình trụ cao có diện tích thành chén lớn và miệng nhỏ nên hương tập trung hơn. Đĩa dùng lót chén là loại hình viên thuốc con nhộng lót chung cho cả 2 chén.

Cách chọn ấm pha trà

Nên chọn ấm nào để pha trà? Tùy từng nhu cầu của quý vị, từ đó sẽ có lựa chọn ấm chính xác nhất. Nhưng tốt nhất nên chọn loại ấm có dung tích vừa phải, không quá nhỏ mà cũng không quá lớn tầm 240ml là vừa. Ấm song ẩm dùng khi uống một mình và nếu uống hai người thì phải loại lớn hơn để mỗi lầm rót ra đủ cho mỗi người hai chén. Cũng nên có thêm một hai ấm lớn phòng khi phải đãi “tục khách” sau những buổi họp mặt đông người.

Ấm để sử dụng hàng ngày nên lựa chọn ấm có hình dáng đơn giản dễ pha. Ấm trơn hoặc ấm hình kỷ hà, trang trí nhã nhặn, điểm vài chữ viết… là tiện nhất. Trà, ấm cũng không thoát khỏi qui luật tiền nào của nấy tuy rằng nhiều khi cũng mua được một cái ấm giá hời. Những ấm đắt tiền thường là đất tốt, da mịn, trông qua cũng biết loại thượng phẩm. Nếu thực sự muốn dùng ấm vào mục đích uống trà, ta nên kiếm những kiểu giản phác, miệng rộng thân bè (như kiểu của Huệ Mạnh Thần) để dễ châm và thay bã trà. Những kiểu lạ lùng, kiểu cọ để chưng hơn là để dùng. Ấm trà bán theo bộ, nghĩa là đủ mọi thứ trong một “set” thường không phải là loại hảo hạng, chỉ dùng trong việc tiếp khách đông người. Ấm rẻ tiền hạng soàng, sờ nhám tay, trong lòng ấm chỗ lồi chỗ lõm, thô tạo.

Ấm mua về không nên dùng uống ngay. Quý vị nên cho ấm vào trong một cái nồi nước và đun sôi, sau đó cho loại trà mà bạn muốn sử dụng vào và đung sôi khoảng 5-10 phút. Những người chuyên môn chỉ là phải cho trà cũ vào nấu trong ba tiếng đồng hồ để trà thấm vào những khí khổng khiến ấm sậm màu hơn và nhiễm mùi trà. Nếu không phải pha trà và đổ đi bốn lần đầu. Vũ Thế Ngọc chỉ một “bí quyết” của ông là đem ấm ninh trong trà trong bảy ngày đêm, đem ra rửa sơ rồi ủ vào trà trong hai tuần, ấm sẽ cũ như đã dùng hàng trăm năm. Các chuyên gia nói là nếu như định chọn ấm để dùng cho loại trà ngon thì không nên tôi ấm bằng trà thường mà phải dùng trà cùng loại vì mặt trong ấm sẽ nhiễm mùi và ảnh hưởng đến trà sau này.

Sau một thời gian sử dụng và ngâm dưỡng ấm tử sa, thì dần dần ấm cũng ngả màu, sáng bóng, ôn nhuận và tươi mới hơn lúc mới mua. Ấm tử sa không nên rửa hay cọ bên trong mà chỉ tráng bằng nước nóng, để cho khô và dùng khăn sạch lau bên ngoài. Vì vậy, ấm tử sa sau một thời gian sử dụng sẽ có một lớp cáu trà bám trên thành ấm, càng dày, càng quí. Mỗi cái ấm chỉ nên dùng một loại trà để hương vị thuần nhất. Một bộ trà dùng lâu trở nên thân thiết như một người bạn, khác hẳn những sưu tập khác chỉ là sở thích mà không có liên hệ trực tiếp với đời sống hàng ngày. Có người cầu kỳ còn ví rằng mỗi lần uống trà là phối hợp cả ngũ hành kim (ấm đun nước), mộc (trà), thủy, hỏa và thổ (bình trà). Người Việt Nam ta không coi uống trà như một thứ nghi lễ như người Nhật, lại cũng không huê dạng, phô diễn như người Tàu. Tuy cũng chuộng ấm Tàu, trà Tàu nhưng thường là một phần của sinh hoạt làm tăng hương vị cho đời sống. Không ai nghĩ rằng phải cất công đi hàng nghìn dặm để kiếm cho được một hũ nước pha trà.

Cách pha trà ngon nhất

Để có được một ấm trà ngon thì việc pha trà cũng là cả một nghệ thuật. Việc lựa chọn ấm tốt và chọn loại trà ngon để pha là điều chắc chắn, nhưng nó còn phải kén cả nguồn nước sử dụng để pha trà. Thường thì nên sử dụng nước suối để pha là ngon nhất, nhưng nếu không có nước suối thì có thể dùng nước lọc để pha trà. Khi pha trà xanh hay trà ô long quý vị nên sử dụng loại ấm có dung tích nhỏ, chỉ có hồng trà mới dùng ấm lớn. Dưới đây là cách pha trà ngon đúng cách mà quý vị nên áp dụng để có được những ấm trà tuyệt vời đãi khách và thưởng thức.

Trước khi pha trà các bạn cần chuẩn bị đầy đủ các dụng cụ pha trà gồm: ấm trà tử sa, chén đựng trà, chén tống, lọc trà, nước sôi và bộ phụ kiện trà lục quân tử để sử dụng khi pha trà.

– Trước tiên quý vị nên tráng qua ấm chén bằng nước sôi để cho ấm chén nóng đều, trà pha ngon hơn.
– Cho một lượng trà vừa đủ vào trong ấm(tùy số người uống và ấm của bạn có dung tích lớn hay nhỏ)
– Chế nước sôi vào, tới khi nước tràn ra ngoài. Đậy nắp ấm lại và nhanh chóng đổ hết nước trong ấm ra (đây là bước tráng trà hay còn gọi là đánh thức trà).
– Sau đó, đổ tiếp nước sôi (tùy vào từng loại trà quý khách sử dụng mà nên dùng nước sôi có nhiệt độ từ 80 đến 100 độ C để pha) vào đầy ấm và đậy nắp lại. Đợi khoảng 45 giây đến 1 phút để trà ngấm là có thể rót trà ra chén để thưởng thức được rồi đó.

Khi rót trà ra chén thì nên rót trà theo kiểu xoay tròn hay qua lại để cho trà trong mỗi chén đều nhau, không chén nào đậm, nhạt hơn chén nào.

Uống trà. Uống chầm chậm, từng ngụm nhỏ để thưởng thức hương vị trà trên đầu lưỡi.

Nước thứ 2, thì quý vị có thể để khoảng 1 phút 15s đến 1 phút 30s là có thể dùng được rồi.

Từ nước thứ 3 trở đi, tùy vào từng loại trà mà quý vị có thể ngâm trà 2-3 phút hoặc lâu hơn nữa.

Mặc dù với đặc tính của đất tử sa thì bã trà và nước trà còn lại trong ấm mà để vài hôm thì cũng không bị nấm mốc gì cả.

Nhưng tốt nhất khi uống xong quý vị nên sử dụng nước sôi để tráng ngay ấm chén đi cho sạch.

Dần dần ấm trà của bạn sẽ trở lên sáng bóng và sạch sẽ, tươi mới hơn.

Khi châm nước vào ấm, cũng nên quá tay một chút để nước tràn ra ngoài và khi đậy vung vào, nước lại trào ra một lần nữa. Lúc đó mới tưới thêm cho ướt cả ấm. Nhìn những giọt nước bên ngoài bốc hơi nghi ngút cũng là một cái thú và cũng là một cách để lượng định thời gian chờ ngấm trà. Nước đầu tiên đánh thức trà phải đổ đi, nước thứ hai và nước thứ ba là ngon hơn cả. Tùy vào chất lượng của từng loại trà mà có thể pha được đến bảy, tám nước mà hương vị trà vẫn không thay đổi là mấy so với nước thứ 2,3.

Pha trà là một công việc mà người ta phải tiết độ, nhịp nhàng. Nếu nói rằng ngoại vật ảnh hưởng đến tâm hồn thì khi pha trà cũng là lúc để cho lòng mình lắng dịu.

Trà ngon bao giờ cũng có hương thơm tự nhiên, nhẹ nhàng, thanh thoát. Trà ướp hương thường là loại thứ phẩm, kể cả trà được ướp sâm. Mỗi loại trà lại có một hương vị độc đáo riêng biệt.

Người ta vẫn cho rằng trà đạo của Nhật chú trọng về nghi thức, còn cách uống trà của Trung Quốc thì nặng về phẩm chất của trà. Người Trung Hoa coi việc uống trà là một hình thức thưởng ngoạn trong khi người Nhật rất chặt chẽ về thủ tục, coi việc uống trà là một hình thức tế lễ hơn là đi tìm hương vị. Có lẽ vì trà đạo của Nhật do các thiền sư truyền bá, và họ dùng trà để “tìm sự hòa hợp giữa con người với con người, đề cao giá trị tinh thần, và thu ngắn khoảng cách giữa nhân và thiên”.